Việc phân chia tài sản khi bố mẹ mất không để lại di chúc là việc khá nhạy cảm đối với người Việt Nam chúng ta, trên thực tế đã có rất nhiều trường hợp dẫn đến gia đình lý tán, anh em thù hận nhau, họ hàng từ mặt nhau chỉ vì việc giành quyền thừa kế.
Đất đai là tài sản có giá trị lớn nên phân chia thừa kế khi người để lại di sản không có di chúc trở thành một vấn đề khá rắc rối. Bên cạnh đó đất đai là một loại tài sản đặc thù nên việc phân chia tài sản cũng cần hiểu biết hơn những kiến thức cơ bản.
Theo khoản 1 Điều 650 Bộ Luật dân sự 2015, trong trường hợp người để thừa kế không để lại di chúc để chia thừa kế thì di sản để thừa kế sẽ được chia theo quy định của pháp luật liên quan đến thừa kế. Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.
Những người thừa kế theo pháp luật được được quy định theo thứ tự sau đây:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm:
- ông bà nội, ông bà ngoại, anh ruột, chj ruột, em ruột của người chết;
- Cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ 3 gồm:
- Cụ nội, cụ ngoại của người chết
- Bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết’
- Cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột;
- Chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người thừa kế ở hàng sau chỉ được hưởng thừa kế nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Di sản để lại thừa kế gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác. Do đó, có thể hiểu di sản bao gồm tất cả những vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản (động sản và bất động sản) mà người để lại thừa kế sở hữu. Đất đai là bất động sản nhưng không thuộc sở hữu của các chủ thể khác Nhà nước nên đất đai không thể là di sản. Tuy nhiên, cá nhân có thể là người có quyền sử dụng đất hợp pháp nên quyền sử dụng đất có thể là di sản thừa kế.
Về cơ bản, khi chia thừa kế theo pháp luật, những người thừa kế trong cùng hàng thừa kế sẽ được hưởng phần di sản như nhau. Việc phân chia quyền sử dụng đất cũng như vậy; dựa trên số người được nhận di sản thừa kế để phân chia quyền sử dụng đất thành các phần bằng nhau.
Thủ tục thừa kế không có di chúc được thực hiện tại văn phòng công chứng nơi có đất đai để lại theo quy định tại Điều 57 Luật công chứng 2014. Để tiến hành thủ tục khai nhận và phân chia di sản thừa kế, giấy tờ cần có trong hồ sơ gồm:
- Văn bản thoả thuận phân chia di sản thừa kế giữa những người đồng thừa kế;
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất;
- Giấy chứng tử của người đã để lại di sản;
- CMND/CCCD hoặc hộ chiêú, hộ khẩu của những người được thừa kế;
- Giấy tờ chứng minh mối quan hệ của những người được thừa kế theo pháp luật của người chết (giấy khai sinh, đăng ký kết hôn …)
Điều kiện để người sử dụng đất được thực hiện quyền để lại thừa kế đối với di sản là quyền sử dụng đất theo Điều 188 Luật Đất đai 2013:
- Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật Đất đai 2013;
- Đất không có tranh chấp; “Quyền sử dụng đất” không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
- Trong thời hạn sử dụng đất.
Rất mong bài viết phân chia tài sản khi bố mẹ mất không để lại di chúc giúp ích được cho bạn. Cám ơn bạn đã đọc.
Team VuaNhaDat.net viết có tham khảo.