Một trong những điều kiện để chuyển nhượng nhà đất là phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà và tài gắn liền với đất. Với trường hợp là căn hộ chung cư là phải có sổ hồng. Nếu muốn bán nhà chung cư chưa có sổ hồng thì người bán bắt buộc phải có biên bản bàn giao căn hộ và hợp đồng mua bán với chủ đầu tư. Khi đó, chung cư chưa có sổ sẽ được sang nhượng theo hình thức chuyển nhượng hợp đồng mua bán. (Khoản 2 Điều 123 Luật nhà ở 2014).
1. Hồ sơ chuyển nhượng Nhà Đất chưa có sổ đỏ sổ hồng, bạn chuẩn bị như sau:
- Đơn đề nghị Chủ đầu tư cho chuyển nhượng (Bản chính)
- Văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán giữa 3 bên: Bên Bán, Bên Mua và Chủ Đầu tư (7 bản gốc)
- Hợp đồng mua bán nhà đất bên bán đã kí với chủ đầu tư (Bản gốc)
- Biên bản bàn giao căn hộ/ bàn bao đất (đối với trường hợp đã bàn giao)
- Giấy xác nhận của chủ đầu tư về việc nhà đất giao dịch chưa được cấp sổ hồng (bản gốc)
- Thẻ Căn cước công dân (hoặc Chứng minh thư nhân dân) của cả hai bên nhượng quyền và bên chuyển quyền
- Sổ hộ khẩu của cả hai bên
- Đăng ký kết hôn hoặc Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đối với người đang độc thân.
- Tờ khai lệ phí trước bạ
- Tờ khai thuế thu nhập cá nhân
2. Quy trình, thủ tục chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà đất chưa có sổ đỏ sổ hồng:
Bước 1: Lập văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà đất và đi công chứng:
Văn bản này sẽ có ba bên tham gia, gồm bên chuyển nhượng, chủ đầu tư và bên nhận chuyển nhượng. Trong văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà chung cư sẽ thỏa thuận các vấn đề:
- Thông tin về bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng;
- Giá chuyển nhượng hợp đồng, thời hạn và phương thức thanh toán;
- Quyền và nghĩa vụ của các bên;
- Và các quy định khác.
Sau đó các bên sẽ thực hiện công chứng nội dung văn bản hợp đồng này.
Bước 2: Kê khai, nộp các khoản lệ phí, thuế liên quan:
Khi hai bên hoàn thành việc công chứng Văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà chung cư. Bên chuyển nhượng hoặc bên nhận chuyển nhượng sẽ thực hiện kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ theo quy định.
Bước 3: Xin xác nhận của chủ đầu tư vào văn bản đã công chứng:
- Sau khi đã hoàn tất nghĩa vụ nộp thuế, lệ phí trước bạ, Bạn sẽ quay trở lại Chủ đầu tư xin xác nhận của Chủ đầu tư vào Văn bản thoả thuận đã công chứng.
- Chủ đầu tư có trách nhiệm xác nhận vào văn bản chuyển nhượng trong thời hạn tối đa là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ đã được công chứng và bàn giao lại cho bên nộp hồ sơ gồm:
+ Văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà chung cư (Bản gốc)
+ Hợp đồng mua bán nhà chung cư giữa chủ đầu tư và bên chuyển nhượng (Bản gốc)
+ Biên lai nộp thuế thu nhập cá nhân (Bản gốc)
+ Biên bản bàn giao nhà (Bản gốc)
Xong bước 3 là bạn đã chuyển nhượng xong Hợp đồng mua bán, trường hợp bạn là người mua cuối cùng xin cấp Sổ đỏ/sổ hồng thì tiến hành thêm bước 4 phía dưới.
Bước 4: Nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận Sổ đỏ/sổ hồng:
Bên nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán cuối cùng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật về đất đai. Khi thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận, ngoài các giấy tờ theo quy định của pháp luật về đất đai, bên đề nghị cấp Giấy chứng nhận phải nộp thêm cho cơ quan cấp Giấy chứng nhận bản chính Văn bản chuyển nhượng hợp đồng cuối cùng đã có xác nhận của chủ đầu tư.
Như vậy, bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng phải cùng thực hiện các bước nêu trên với chủ đầu tư thì việc sang tên sổ hồng mới được pháp luật công nhận và bảo vệ quyền lợi.
3. Thời gian chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà đất chưa có sổ:
- Thời gian Chủ đầu tư rà soát trước khi kí vào đơn đề nghị chuyển nhượng hợp đồng là 7-10 ngày làm việc
- Thời gian hoàn tất nghĩa vụ nộp thuế, nộp lệ phí trước bạ (tuỳ thuộc vào 2 bên mua bán, tuy nhiên không quá 30 ngày)
- Thời gian Chủ đầu tư xác nhận vào Văn bản chuyển nhượng hợp đồng là 5 ngày làm việc
4. Chi phi, lệ phí chuyển nhượng sang tên nhà đất đã có sổ đỏ sổ hồng:
- Thuế TNCN = Giá chuyển nhượng x thuế suất 2%
- Lệ phí trước bạ sẽ do bên mua đóng khi nhận sổ đỏ.
Lệ phí trước bạ = 0,5% x Giá tính lệ phí trước bạ (Căn cứ vào vị trí căn hộ, do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành) thông thường sẽ bằng giá chuyển nhượng (trừ các trường hợp đặc biệt).
Lưu ý: Trong trường hợp giá chuyển nhượng thấp hơn giá nhà do UBND Tỉnh (thành phố) quy định thì cơ quan thuế sẽ lấy giá nhà do nhà nước quy định để làm cơ sở tính thuế thu nhập cá nhân.
Hy vọng bài viết sẽ giúp ích được cho bạn.
P/s: Đối với thủ tục Nhà đất, liên quan nhiều đến luật đất đai, luật hôn nhân gia đình … có rất nhiều điều khoản, mỗi trường hợp gặp phải cần phải biết đối chiếu và áp dụng các điều khoản cho đúng, để an toàn nhất, đề xuất bạn nên hỏi chi tiết qua Luật sư.
Cám ơn bạn đã đọc thông tin!
Nhà Đất Nam Sài Gòn – VuaNhaDat.net
Bạn có thể tham khảo thêm các bài về Pháp Lý nhà đất:
- 7 điều cần biết về sổ đỏ sổ hồng
- Những điều lưu ý khi mua bán sang nhượng nhà đất
- Hồ sơ, quy trình, thủ tục chuyển nhượng sang tên đối với nhà đất đã có sổ
- Hướng dẫn chi tiết cách đọc thông tin trên sổ đỏ sổ hồng